Những sai lầm không nên mắc phải khi chọn mua linh kiện PC

Thị trường phần cứng máy tính nói chung và phần cứng chuyên dụng cho chơi game nói riêng hiện rất rộng lớn với vô số sản phẩm đến từ hàng trăm nhà sản xuất khác nhau và trải dài trên tất cả các phân khúc. 

Tuy nhiên, sự đa dạng không phải lúc nào cũng chỉ đem lại lợi ích. Đối với những người mới hay ít quan tâm đến thị trường phần cứng chơi game thì việc làm thế nào để chọn được những sản phẩm phù hợp nhu cầu với giá bán hợp lý nhất giữa muôn vàn sự lựa chọn không phải là đơn giản, trong khi các nhà sản xuất lại đang làm quá tốt công việc tiếp thị, quảng cáo. Như bạn có thể thấy, sản phẩm nào cũng được nhận xét là hiệu năng ấn tượng trong tầm giá, thiết kế tuyệt vời, rồi thì bảo hành dài hạn…

Bạn có thể bị cám dỗ và chi cả đống tiền để có được thứ mà bạn cho là “tuyệt vời”, như là một con RAM 32GB chạy ở mức 3600MHz chỉ vì thông số này trông rất ấn tượng, trong khi nhu cầu sử dụng thực tế lại hoàn toàn không đến mức như vậy. Trên thực tế, mức độ cải thiện thường rất nhỏ, và về cơ bản, điều này là một sự lãng phí tiền bạc.

Chỉ vì đang muốn xây dựng lên một dàn PC chơi game cao cấp không có nghĩa là bạn phải trả những hóa đơn “điên rồ” cho từng bộ phận cấu thành. Không phải lúc nào sự kết hợp giữa các sản phẩm đắt tiền cũng đem lại kết quả tối ưu nhất. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải khi mua các bộ phận phần cứng cho dàn PC chơi game, cũng như cách thức tránh những sai lầm không đáng có này.

Sai lầm khi mua phần cứng chơi game

1. Đừng vội mua VGA có gắn mác “Gaming”, “OC”

Điều này có vẻ phản trực giác, bởi bạn là một game thủ, bạn muốn tìm thành phần tốt nhất cho dàn PC của mình, bạn không muốn sử dụng RTX 2080 Grandma thông thường, mà đó phải là con quái vật RTX 2080 Gaming OC eXtreme Edition. Tốt thôi nếu ngân sách của bạn dư giả, nhưng khoan, hãy ngồi lại và phân tích thêm chút đã.

OC là thuật ngữ ngầm chỉ định rằng đây là phiên bản được overclock (ép xung). VGA OC là VGA được thiết kế dành cho việc ép xung, tăng xung nhịp của VGA, từ đó giúp nâng cao hiệu suất tổng thể. Còn từ “Gaming” thì chỉ đơn giản là để chỉ đây là thiết bị phục vụ chơi game. Chà, nghe có vẻ gì đó mạnh mẽ và “ngầu” hơn thật!

Đừng vội mua VGA có gắn mác “Gaming OC”

Tuy nhiên, những cụm từ như vậy thường lại được sử dụng như một mẹo tiếp thị để khiến mọi người vui vẻ trả mà nhiều tiền hơn cho một thành phần phần cứng mà đáng ra khi không có dòng chữ đó, nó sẽ rẻ hơn khá nhiều. Tất nhiên không phải lúc nào một sản phẩm được gắn mác “OC” hay “Gaming” đều là hình thức marketing, ví dụ chuột gaming thường sẽ cho trải nghiệm chơi game tốt hơn chuột thường khá nhiều.

Khi nhà sản xuất tung ra một model VGA, việc nêu ra các thông số phần cứng chạm đến mức giới hạn sẽ rất có lợi về mặt marketing. Trên thực tế, phiên bản “Gaming” của một dòng VGA thường là phiên bản được ép xung nhẹ của bản thông thường. Trong một số trường hợp, chúng cũng có thể được trang bị khả năng làm mát tốt hơn, nhưng sẽ không có khác biệt nào (đáng kể) ngoài lợi thế này, có chăng là bạn sẽ nhận được thêm khoảng 5% FPS so với VGA bản thường nhờ vào khả năng làm mát tốt hơn kia.

Xem ngay:  Hướng dẫn 4 cách phối đồ với áo sơ mi buộc vạt cực thời trang cho nữ giới

Thế nhưng giá bán cho một thẻ VGA chơi game lại thường cao hơn rất nhiều so với phiên bản thông thường. Bạn có thể phải trả thêm 30% tiền chỉ để đổi lấy cái mức hiệu suất cao hơn 5% kia, điều này rõ ràng không phải là một sự đầu tư thông minh. Hơn nữa, bạn cũng hoàn toàn có thể ép xung cho một VGA thông thường, và sẽ có được hiệu suất tương tự hoặc thậm chí còn nhỉnh hơn. Có nghĩa là thay vì phải trả thêm 30% cho một “Gaming” VGA, thì đáng ra bạn nên để dành cái số 30% tiền đó để đầu tư sang một model ở phân khúc cao hơn. Model này sẽ có thể mang lại cho bạn thêm 30% hiệu suất nữa chẳng hạn. Như vậy, thay vì phải chi thêm tiền để mua phiên bản “Gaming” mà chỉ nhận thêm đc có 5% hiệu suất, bạn hãy dành số tiền đó để đầu tư sang VGA phiên bản thường nhưng ở phân khúc cao hơn, và sẽ nhận được thêm 30% hiệu suất.

2. Tần số RAM không quá quan trọng trong việc xử lý các trò chơi

RAM là một trong những thành phần quan trọng trong việc quyết định đến hiệu suất tổng thể của hệ thống máy tính, thế nhưng trong xử lý các trò chơi thì lại không hoàn toàn là như vậy. Gấp đôi tần số RAM không có nghĩa là sẽ mang lại cho bạn hiệu năng gấp đôi, thậm chí còn không đạt 50%. Ví dụ, nếu bạn nâng cấp từ thanh RAM 1333Mhz lên 2666Mhz, bạn có thể chỉ nhận được thêm 10% FPS, đó là mức tốt nhất có thể. Nhìn chung, mức độ cải thiện là nhỏ hơn rất nhiều so với bạn tưởng tượng. Ngoài ra, vấn đề này cũng còn phải phụ thuộc nhiều vào cách trò chơi được phát triển và thiết lập, tuy nhiên thử nghiệm thực tế đối với hầu hết các tựa game phổ biến hiện nay đều cho thấy mức gia tăng không đáng kể đối với FPS sau khi nâng cấp RAM lên tần số cao hơn. Điều đó chỉ đơn giản là vì card màn hình đã xử lý các khung bên trong và hiếm khi cần phải truy cập vào dữ liệu RAM trên hệ thống.

Tần số RAM không quá quan trọng trong việc xử lý các trò chơi

Tuy nhiên, tin tốt là tốc độ RAM lại có thể cung cấp cho bạn những cải tiến đáng kể trong một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như biên dịch chương trình, kết xuất video, chỉnh sửa ảnh, v.v., nhưng tóm lại nó không quá quan trọng trong việc chơi game.

Vì vậy, khi xây dựng dàn PC chơi game, bạn chỉ cần chọn một thương hiệu RAM tốt chút là ổn, còn không cần phải quá chú ý đến tần số làm gì! Nếu một thanh RAM có tần số thấp hơn chút mà lại rẻ hơn nhiều, đừng lăn tăn mà hãy mua ngay, để dành tiền đầu thư cho thành phần khác quan trọng hơn, ví dụ như VGA tốt hơn 30% đã nói phía trên chẳng hạn, bạn sẽ thấy được những sự cải tiến rõ rệt hơn rất nhiều.

Và, cũng giống như các VGA được gắn mác “Gaming”, “Gaming” RAM trông cũng rất ngầu và được nhà sản xuất tuyên bố tối ưu hóa cho các trò chơi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng!

Xem ngay:  Mẫu Kế Hoạch Ứng Phó Sự Cố Môi Trường – Hoàn Chỉnh & Chi Tiết

3. Đừng chỉ đánh giá CPU theo thế hệ và số lõi

Trên thực tế, có một sự khác biệt rất lớn về hiệu năng giữa CPU Intel thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Nhưng khi bạn đi từ thế hệ thứ hai sang thứ ba, mức khác biệt sẽ giảm đi kha khá, và cứ tương tự như vậy. Đôi khi một CPU thế hệ thấp nhưng đời mới lại mang đến những cải tiến đáng giá hơn, ví dụ như tiết kiệm điện năng hơn, hay có trang bị các tính năng mới được giới thiệu chẳng hạn.

Đừng chỉ đánh giá CPU theo thế hệ và số lõi

Tuy nhiên, về mặt tốc độ xử lý dữ liệu, cải tiến giữa các thế hệ có thể sẽ rất nhỏ. Nó phụ thuộc vào những gì mà các kỹ sư cố gắng thực hiện trên thế hệ mới cụ thể đó.

Nguyên tắc chung vẫn sẽ giống như 2 trường hợp trên, đừng dại trả thêm 50% tiền chỉ để đổi lấy mức cải thiện hiệu năng 10%.

Về số lõi, bạn hoàn toàn có thể nhận được 60 FPS với CPU 12 lõi và 80 FPS với CPU 4 lõi, vâng, bạn không nhìn lầm đâu, điều này là có thật. Khi nói đến chơi game, hiệu năng đơn luồng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với số lượng lõi (đa luồng), bởi vì đây là kết xuất thời gian thực. Từ lúc bạn nhấp vào chuột cho đến khi một số hành động xảy ra trên màn hình, CPU phải gấp rút chuẩn bị dữ liệu cho GPU, và trong trường hợp này, cho dù có được trang bị đến 24 lõi thì các lõi này cũng chẳng thể giúp CPU của bạn thực hiện quá trình này nhanh hơn được, mặc dù nhiều lõi có thể giúp ích trong trường hợp của những trò chơi đòi hỏi nhiều thứ cần được xử lý cùng một lúc. Ví dụ, hàng trăm “kẻ thù” được trang bị trí tuệ nhân tạo phức tạp, trong một trò chơi hoạch định chiến lược chẳng hạn, lúc này số lượng lõi sẽ thực sự hữu dụng.

Hãy nghĩ về hiệu năng đơn luồng như cái cách mà CPU có thể đáp ứng yêu cầu nhanh như thế nào. Khi CPU phản hồi càng nhanh, card màn hình cũng càng nhanh chóng có thể nhận biết được hình ảnh nào sẽ phải hiển thị. Mặt khác, hãy nghĩ về số lõi như việc CPU có thể làm được bao nhiêu thứ trong cùng một lúc.

Trong trường hợp này, nếu còn cảm thấy mơ hồ, hãy tham khảo điểm kết quả chấm điểm benchmark để xác định hiệu năng CPU của bạn. Ví dụ: Gõ từ khóa “i7-7700K passmark” lên google, bạn sẽ tìm thấy điểm benchmark của model CPU này. Sau đó, hãy tìm kiếm thêm từ khóa “ryzen 7 1800x passmark”, bạn sẽ thấy rằng tuy CPU này có số điểm tổng cao hơn do được trang bị nhiều lõi hơn, nhưng điểm đơn luồng lại thấp hơn nhiều so với i7-7700K, dẫn đến khả năng xử lý game cũng kém hơn.

 “i7-7700K passmark”

Cũng giống như mác “Gaming” hay “OC” số luồng cũng là yếu tố rất hay được các nhà sản xuất đem ra làm công cụ marketing, khiến khách hàng mặc định nghĩ rằng cứ nhiều lõi hơn là tốt hơn. Đó là lý do tại sao những chiếc iPhone tuy ít lõi hơn nhưng vẫn cho khả năng chơi game mượt mà hơn so với điện thoại Android cùng tầm giá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *